Th 4, 06/10/2021 | 09:09 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Khai mạc kỳ họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 62

Kỳ họp lần thứ 62 Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2021 diễn ra từ ngày 04-08/10/2021, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ.

 
 
Toàn cảnh Đại hội đồng WIPO lần thứ 62 (nguồn: WIPO)
 
Kỳ họp Đại hội đồng các quốc gia thành viên của WIPO đã khai mạc vào 10 giờ sáng ngày 04/10/2021 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ (theo giờ Giơ-ne-vơ). Tham dự trực tiếp phiên khai mạc có ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO, ông Omar Zniber, Đại sứ Ma-rốc, Chủ tịch Đại hội đồng WIPO và khoảng 150 đại biểu các nước thành viên và quan sát viên. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã đại diện Việt Nam tham dự trực tiếp Hội nghị. Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng đã tham dự Hội nghị từ Việt Nam theo hình thức trực tuyến.
 
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Kỳ họp Đại hội đồng WIPO diễn ra theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cụ thể Ban tổ chức chỉ cho phép tối đa 02 thành viên mỗi nước tham dự trực tiếp tại trụ sở WIPO, đồng thời thiết lập các nền tảng Interprefy và Webcasting để các nước thành viên tham dự trực tuyến.
 
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Tổng Giám đốc Daren Tang đã khẳng định trong bối cảnh dịch Covid-19, WIPO tiếp tục giữ được vị thế tài chính vững mạnh (năm 2020 ghi nhận tổng thu tăng 2,5% và tổng chi giảm 1% so với năm 2019, theo đó thặng dư đạt 135,9 triệu franc Thụy Sỹ) đồng thời WIPO đã vượt qua được đại dịch nhờ vào khả năng thích ứng và sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ.
 
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết để hỗ trợ các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển, WIPO sẽ đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ để phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, ông nhấn mạnh sẽ hướng sự quan tâm tới các nhóm đối tượng được coi là “thường bị đứng ngoài lề của hệ sinh thái sở hữu trí tuệ” gồm phụ nữ, thanh niên và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  
 
Tham dự trực tiếp phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã có bài phát biểu thay mặt Việt Nam. Trong bài phát biểu, Đại sứ bày tỏ sự ủng hộ đối với Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026, trong đó đặc biệt đánh giá cao tầm nhìn của WIPO trong việc xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu cân bằng và hiệu quả và những ưu tiên của WIPO trong việc hỗ trợ các nước thành viên. 
 
Thay mặt Việt Nam, Đại sứ bày tỏ sự cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ của WIPO trong việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, thi hành các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các điều ước về các hệ thống đăng ký quốc tế, tạo điều kiện để các thành viên trong hệ sinh thái sở hữu trí tuệ quốc gia được tham gia và hưởng lợi từ các dự án và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc hoàn thiện và kết thúc dự án WIPO IPAS, vốn bị trì hoãn ngoài dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
 
 
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ phát biểu tại Đại hội đồng WIPO 2021 (nguồn: WIPO)
 
Kỳ họp Đại hội đồng WIPO sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 08/10/2021 với một số nội dung đáng chú ý như: Quyết định về thành phần Uỷ ban Điều phối, Uỷ ban Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2021-2023; quyết định về việc triệu tập Hội nghị ngoại giao để thông qua Hiệp ước Luật Kiểu dáng, dự kiến diễn ra vào cuối Quý II năm 2022; đánh giá hoạt động của các Văn phòng đại diện của WIPO; ghi nhận các quyết định của Uỷ ban Chương trình và Ngân sách, trong đó có Kế hoạch chiến lược trung hạn 2022-2026 của WIPO và Dự thảo Chương trình công tác và ngân sách giai đoạn 2022-2023; chỉ định Cơ quan sáng chế khu vực Á- Âu (Eurasian Patent Office) là Cơ quan tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế theo PCT./.
 
Phòng Hợp tác quốc tế