Th 2, 02/12/2019 | 17:15 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hội nghị cấp cao dành cho lãnh đạo các trường đại học/viện nghiên cứu và các nhà chính sách trong khuôn khổ Dự án EIE

“Chia sẻ tầm nhìn, kiến tạo mục tiêu, chung tay hành động”. Những người hành nghề chuyển giao công nghệ không nên lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu mà phải luôn theo đuổi lý tưởng chắp cánh cho công nghệ vì lợi ích chung của xã hội.

Ngày 25-27/11/2019, tại Osaka - Nhật Bản, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (đơn vị chủ trì: Vụ Châu Á - Thái Bình Dương - ASPAC) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật bản (JPO) và Đại học Osaka đã tổ chức “Hội nghị cấp cao dành cho lãnh đạo các trường đại học/viện nghiên cứu và các nhà chính sách trong khuôn khổ Dự án EIE”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo – EIE dành cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Về phía WIPO có sự tham dự của ông David Simmons - tham tán ASPAC; ông Richard S. Cahoon - Chủ tịch tập đoàn BioProperty Strategy Group Inc./ Giáo sư tại Chương trình quốc tế thuộc Đại học Cornell/ chuyên gia tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); ông Fumio Ishitsuka - Chuyên gia quản lý Dự án - Bộ phận hỗ trợ hợp tác WIPO; bà Yumiko Hamano, đối tác tư vấn SHTT tại ET Cube International, Echenevex, Cộng hòa Pháp/ chuyên gia tại WIPO; ông Ashley Stevens - Tư vấn viên quốc tế, Chủ tịch Focus IP Group, LLC, Hoa Kỳ.  Về phía JPO có sự tham dự của ông Manabu Niki - Giám đốc Văn phòng Hợp tác Khu vực.  Về phía Đại học Osaka có sự tham dự của ông Akihisa Matsuno - Trưởng khoa Chính sách công quốc tế (OSIPP).

Hội nghị có sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan SHTT quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc mạng lưới các Trục xoay và Nan hoa trong khuôn khổ Dự án EIE của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam bao gồm 04 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học là các Nan hoa trong Dự án EIE: ông Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ông Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, ông Lâm Quang Vinh - Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 02 đại biểu đến từ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Vụ Khoa học công nghệ môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; 02 đại biểu đến từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Trục xoay của Dự án EIE.

Đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông David Simmons - tham tán ASPAC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Mạng lưới Trục xoay và Nan hoa trong dự án EIE khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) và chuyển giao công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học. 

Bà Yumiko Hamano, đối tác tư vấn SHTT tại ET Cube International, Echenevex, Cộng hòa Pháp/ chuyên gia tại WIPO đã tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của dự án EIE (trục xoay và nan hoa) đồng thời với những kết quả mà Mạng lưới Trục xoay và Nan hoa trong dự án EIE đã đạt được kể từ khi thành lập đến nay.

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Akihisa Matsuno - Trưởng khoa Chính sách công quốc tế, Đại học Osaka đã nhắc lại lịch sử phát triển của thành phố Osaka từ khi còn là một trung tâm thương mại của Nhật Bản cho tới khi trở thành trung tâm công nghiệp và hải cảng chính - trái tim của vùng đô thị Kansai như hiện nay.

Cũng trong phần chào mừng, ông Manabu Niki - Giám đốc Văn phòng Hợp tác Khu vực, JPO đã nhấn mạnh rằng hiện nay chúng ta đang sống trong nền kinh tế dẫn động bằng tri thức, trong đó các ý tưởng và sự đổi mới sáng tạo đã trở thành các nguồn lực chính để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đem lại những lợi thế cạnh tranh.

Là người trực tiếp quản lý và phụ trách Dự án EIE, ông Fumio Ishitsuka - Chuyên gia quản lý dự án - Bộ phận hỗ trợ hợp tác của WIPO trình bày tổng quan ngắn gọn về Quỹ tín thác Nhật Bản - WIPO (FIT) và vai trò của FIT trong Dự án EIE.

Mở đầu cho phần nội dung chính của hội nghị, ông Richard S. Cahoon - Chủ tịch tập đoàn BioProperty Strategy Group Inc./ Giáo sư tại Chương trình quốc tế thuộc Đại học Cornell/ chuyên gia tại WIPO đã giới thiệu về Mục đích và nội dung của Hội nghị. Trong phần này, bức tranh tổng quát hơn về Chuyển giao công nghệ được nhấn mạnh, cung cấp thông tin cách tiếp cận khung chương trình Dự án EIE và tổng quan về những nội dung được thảo luận tại Hội nghị cấp cao. Cụ thể: Chuyển giao công nghệ là gì? Tại sao nó quan trọng đối với các trường đại học? Mục đích của Hội nghị? Vai trò xã hội của các trường đại học trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo?

Chủ đề được thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên là: Lịch sử và quá trình phát triển của hoạt động chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT và mối liên hệ của nó với sứ mệnh và ảnh hưởng của trường đại học đối với xã hội. Tiếp đến là phần trình bày của ông Ashley Stevens - Tư vấn viên quốc tế, Chủ tịch Focus IP Group, LLC, Hoa Kỳ về: Lợi ích của việc chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT đối với trường đại học, các bên liên quan và xã hội nói chung. 

Nổi bật là tọa đàm với các diễn giả và chuyên gia về các chủ đề: Tầm quan trọng của Chính sách SHTT và các yếu tố then chốt của nó; Công nghệ phi lợi nhuận vì lợi ích công cộng; Nếu được làm lại, các quốc gia có thể làm gì tốt hơn? Tương lai sẽ ra sao? Các vai trò của mạng lưới chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp tại mỗi quốc gia và kinh nghiệm quốc tế có liên quan.

Phiên thảo luận tiếp theo là phần trình bày của các “Trục xoay” nhằm cập nhật tiến độ thực hiện dự án EIE và quan điểm của mỗi quốc gia. Cụ thể là, đại diện của các “Trục xoay” đã trình bày về sự phát triển ở đất nước họ và những vấn đề mà Nan hoa phải đối mặt. Diễn giả đại diện cho Việt Nam là bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp thông tin về những hoạt động đã và đang được thực hiện trong khuôn khổ dự án EIE tại Việt Nam và kế hoạch hành động trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Phiên thảo luận tại hội nghị.

Nối tiếp phiên thảo luận trên là phần trình bày của các “Nan hoa” nhằm cập nhật tiến độ thực hiện dự án EIE và nhu cầu của họ. Cụ thể là, đại diện của các “Nan hoa” chia sẻ kinh nghiệm và tiến trình thực hiện dự án của họ, các vấn đề phải đối mặt và cập nhật những tiến bộ trong việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường. Diễn giả đại diện cho Việt Nam là ông Đinh Văn Phong, Giáo sư, Hiệu phó Trường đại học Bách khoa Hà Nội (HUST).

Ông Đinh Văn Phong, Giáo sư, Hiệu phó Trường đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Ngày làm việc thứ 2 bắt đầu với phần trình bày của ông Iwao Yoshino, Giám đốc điều hành Microwave Chemical Co., Ltd., Osaka về Sự tham gia của công ty đổi mới sáng tạo vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ và SHTT tại các trường đại học. Tiếp theo là phần thảo luận về: Phát triển và hỗ trợ các hiệp hội Chuyển giao công nghệ & đánh giá định lượng do ông Ashley Stevens trình bày. Trong bối cảnh dự án EIE về hỗ trợ chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT, diễn giả đã cung cấp thông tin về: Giá trị mà các hiệp hội trong nước đóng góp vào việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái chuyển giao công nghệ; Giá trị của việc nắm bắt thông tin và số liệu liên quan đến vận hành văn phòng chuyển giao công nghệ để hỗ trợ sự tăng trưởng và Cách thức dự án EIE hỗ trợ chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT thông qua hợp tác với các hiệp hội và đánh giá định lượng.

Các chuyên gia đã cung cấp thông tin chi tiết về các yếu tố cần thiết cho chức năng chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ bền vững của một trường đại học. Trong bối cảnh chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT tập trung vào trường đại học, các diễn giả đã thảo luận về cách tiếp cận hiện đại về quản trị, bao gồm: Vai trò của Hiệu trưởng Đại học; Các vấn đề chính sách SHTT (tự do học thuật và xuất bản, nhân sự và các hoạt động được bảo hiểm, quyền sở hữu, thương mại, triết lý cấp quyền); Lợi nhuận, phổ biến công nghệ và lợi ích công cộng; Xung đột lợi ích và chính sách cam kết; Mối quan hệ với khu vực tư nhân. Sau đó, là phần trình bày về: Mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp và đóng góp cho xã hội do ông Jun Sugiura, Giáo sư, Trường đào tạo sau đại học về SHTT, Học viện Công nghệ Osaka (OIT), Osaka trình bày.

Với chủ đề Các vấn đề quan trọng liên quan đến công nghệ, Văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), cấp vốn và vận hành, các diễn giả thảo luận về các yếu tố chính của hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ bền vững trong các trường đại học, bao gồm: Tầm quan trọng của Giám đốc TTO toàn thời gian, các kỹ năng và yêu cầu đối với đội ngũ nhân lực; TTO - tài trợ, đầu tư, tính bền vững trong dài hạn, chia sẻ lợi ích; Tài trợ kinh phí sáng chế; Quản lý kỳ vọng của khoa; Giám sát đại diện sở hữu công nghiệp (nếu thuê dịch vụ) và chiến lược nộp đơn sáng chế (bao gồm phạm vi toàn cầu); Truyền đạt giá trị cho các bên liên quan (bao gồm cả tác động / tài chính, phát triển kinh tế, quan hệ công chúng).

Trong phiên tọa đàm về Tổng quan về Chuyển giao công nghệ/tài sản trí tuệ của trường đại học tiêu chuẩn và quá trình thương mại hóa giữa các khu vực khác nhau, các thành viên tham gia hội thảo đã trình bày chi tiết về cách tiếp cận và thực hành của TTO nói chung ở các nước, chú trọng vào kinh nghiệm và những khác biệt trong thực tiễn. Tiếp đó, chuyên gia WIPO đã chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu của WIPO và trường hợp thực tiễn. Trong đó nêu bật một loạt các ví dụ thực tế về bảo vệ, quản lý và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp). Đây là một nguồn thông tin phong phú và thực tiễn tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có tài sản trí tuệ.

Tiếp theo là tọa đàm với chủ đề: Các công ty khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ của trường đại học - Trường đại học với tư cách là người tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sự hỗ trợ của chính phủ. Trong phần này, các thành viên tham gia hội nghị cùng thảo luận về kinh nghiệm trong khu vực về khởi nghiệp, vốn góp của trường đại học, xung đột lợi ích với trọng tâm là chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế. Vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ cũng được thảo luận với các ví dụ thực tiễn. Diễn giả đại diện cho Việt Nam là ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Trưởng ban Quản lý khoa học và đào tạo, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Trưởng ban Quản lý khoa học và đào tạo, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KHCN phát biểu tại hội nghị.

Phiên thảo luận bàn tròn về các văn phòng TTO đã chia sẻ các kinh nghiệm vận hành TTO của các quốc gia. Diễn giả đại diện cho Việt Nam là ông Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Ông Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban KH&CN, ĐH Quốc gia TP HCM phát biểu tại hội nghị.

Phần kết thúc Hội nghị, ông Richard S. Cahoon khái quát toàn bộ nội dung mà hội nghị đã đồng thuận trong ba khẩu hiệu: “Chia sẻ tầm nhìn, kiến tạo mục tiêu, chung tay hành động”. Đồng thời không quên nhắc nhở những người hành nghề chuyển giao công nghệ không nên lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu mà phải luôn theo đuổi lý tưởng chắp cánh cho công nghệ vì lợi ích chung của xã hội.

Ông Richard S. Cahoon với khẩu hiệu: “Chia sẻ tầm nhìn, kiến tạo mục tiêu, chung tay hành động”.

Ngày thứ 3 của hội nghị các đại biểu đã được tham quan học tập ở Bảo tàng Lịch sử Tập đoàn Panasonic tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Tại đây, các đại biểu đã được nghe câu chuyện đầy cảm động về nhà sáng lập Matsushita Konosuke. 

Đoàn Việt Nam thăm quan Bảo tàng lịch sử tập đoàn Panasonic.

Bên lề hội nghị, các chuyên gia WIPO còn dành riêng một phiên tư vấn với các đại diện đến từ Việt Nam ngay trong sáng ngày 27/11. Tại đây, các tình huống mà đại biểu nêu ra được các chuyên gia nghiên cứu kỹ càng và tư vấn một cách đầy đủ và cụ thể. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng đa số các hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đều không đi kèm với hợp đồng li-xăng. Điều đó cũng không có gì lạ ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hành động đó luôn đi kèm với rủi ro về mặt pháp lý. Không chỉ tháo gỡ những nút thắt trong việc triển khai công nghệ, tại phiên tư vấn có sự góp mặt của các đại diện thuộc các viện/ trường thành viên là Nan hoa trong dự án, các chuyên gia WIPO còn mở ra những hướng đi mới mà chính các viện trường cũng chưa từng nghĩ tới. 

Xuyên suốt 3 ngày hội nghị là những thảo luận sôi nổi cùng những chỉ dẫn đễn từ phía các chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự. Trong Hội nghị lần này, đoàn chuyên gia WIPO đã giới thiệu một cách bài bản và chuyên sâu về kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ, với những kinh nghiệm thực tiễn rất quý báu đặc biệt là trong việc đánh giá và thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Qua đó, những thách thức mà chỉ có những người trong nghề chuyển giao công nghệ mới hiểu được chia sẻ cùng với những định hướng và động viên từ phía các chuyên gia sẽ trở thành kim chỉ nam cho những nhà lãnh đạo IP-HUB/ SPOKE tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những tư vấn pháp lý và kinh doanh tới từ những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm đã phần nào tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động của các TTO. Thông qua Hội nghị, các nhà lãnh đạo viện nghiên cứu - trường đại học và các nhà xây dựng chính sách tại Việt Nam đã thấy được một tương lai đầy thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn của mạng lưới TTO tại Việt Nam./.

Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp – Cục Sở hữu trí tuệ