Th 4, 29/04/2020 | 10:21 SA
Luật kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực thời trang Châu âu
Tính năng phân biệt duy nhất của sản phẩm có thể tạo nên ấn tượng tổng thể độc đáo và là chứng minh cho việc cần phải bảo vệ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.
Tháng 02/2008
Sau khi Văn kiện Geneva của Thỏa ước La-hay có hiệu lực tại Cộng đồng Châu Âu, Tiến sĩ Fridolin Fischer, một luật sư tại Zurich, Thụy Sĩ, và tác giả của “Kleidermode – Phänomen ohne Rechtsschutz?” - một tài liệu phân tích về việc bảo vệ các kiểu dáng thời trang, trao đổi Tạp chí WIPO trong bài viết này về sự liên quan của luật kiểu dáng trong lĩnh vực thời trang.
Tính năng phân biệt duy nhất của sản phẩm có thể tạo nên ấn tượng tổng thể độc đáo và là chứng minh cho việc cần phải bảo vệ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Khóa Mega (Kiểu dáng cộng đồng đã được cấp bằng độc quyền số 000823414-0002 OHIM).
Thâm hụt thương mại của Liên minh Châu Âu (EU) trong lĩnh vực quần áo năm 2006 là một con số khổng lồ - 33,7 tỷ Euro. Từ năm 1994 đến 2006, tổng sản lượng quần áo của 27 quốc gia thuộc EU giảm khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo tính toán của EU, khoảng 1,5 triệu người làm việc trong lĩnh vực này, tạo ra giá trị gia tăng là 22 tỷ Euro (khoảng 1,2% tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp EU-27)1. Trong những năm tới, các nhà sản xuất quần áo của Châu Âu có thể sẽ buộc phải giảm quy mô sản xuất để hướng đến các sản phẩm thích hợp với giá trị gia tăng cao.
Một số đại diện của ngành công nghiệp quần áo Châu Âu đang kêu gọi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới đối với các kiểu dáng thời trang vì họ sợ những tổn thất lớn từ hàng giả2. Tuy nhiên, một số học thuyết kinh tế hiện đại coi cạnh tranh bao gồm sự tương tác giữa đổi mới và bắt chước: đổi mới tạo ra các sản phẩm ưu việt; sự bắt chước làm cho các sản phẩm sẵn sàng cung cấp cho nhiều người tiêu dùng hơn, vì vậy một quy trình bắt chước sống động rất quan trọng đối với cạnh tranh năng động. Điều này có hợp lý không?
Để trả lời, chúng ta phải nhìn vào thời gian mà kẻ bắt chước bắt kịp với chủ thể sáng tạo. Liệu chủ thể sáng tạo, sau khi công bố đổi mới sáng tạo, có đủ thời gian để khấu hao chi phí phát triển và tạo ra lợi nhuận không? Nếu thời gian quá nhanh, các chủ thể sáng tạo có thể mất động lực để sáng tạo tiếp và việc kéo dài thời gian thông qua các biện pháp pháp lý có ý nghĩa về kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang là một trường hợp cụ thể.
Nhiều tín đồ thời trang không đủ tiền mua những món đồ chính hãng của Chanel, Dior, Versace, v.v. Thay vào đó, họ mua đồ nhái rẻ hơn với nhận thức rõ chúng không phải hàng chính hãng. Không thể coi doanh số bán các sản phẩm giả mạo làm mất doanh số của hàng chính hãng bởi vì các sản phẩm nhái thường chủ yếu nhắm vào các nhóm người tiêu dùng không thuộc về thị trường của các sản phẩm chính hãng. Chắc chắn, các sản phẩm nhái này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và, trong trường hợp chất lượng sản phẩm kém, nó sẽ phá hỏng danh tiếng của nhà thiết kế. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng các sản phẩm giả mạo mang tem nhãn thời trang công khai hơn, kích thích xu hướng thời trang mới và tăng nhu cầu đối với các sản phẩm chính hãng. Gabrielle “Coco” Chanel không đơn độc khi khẳng định rằng sự bắt chước phản ánh hình thức cao nhất của sự tâng bốc3. Trong bối cảnh này, sự liên quan của luật kiểu dáng với ngành công nghiệp thời trang Châu Âu là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng
Bảo hộ kiểu dáng chỉ có thể được tìm kiếm khi ý tưởng sáng tạo vô hình - ví dụ một mẫu mới lạ - được thể hiện dưới dạng cơ học, chẳng hạn như trong một loại vải hoặc vật phẩm cụ thể của quần áo. (Mẫu giống như bông tuyết: Kiểu dáng Cộng đồng đã được cấp bằng độc quyền số 000772058-0003. OHIM)
Ví dụ đối với họa tiết vải hoa bất kỳ, một ý tưởng sáng tạo vô hình và có thể được sao chép mà không có sự hao mòn tài sản. Do đó, quyền độc quyền đối với những vật chất cụ thể, như họa tiết vải hoa sẽ không đủ điều kiện để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Bản thân ý tưởng trí tuệ phải được bảo vệ. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách cấm bắt chước những vật chất mà qua đó chúng ta nhận thức được lợi ích trí tuệ. Lệnh cấm bắt chước trong một khoảng thời gian nhất định “cho phép mọi người gặt hái ở nơi họ đã gieo. Thiếu điều này, động cơ gieo hạt sẽ bị giảm đi”4.
Mặt khác, vì chúng ta chỉ có thể nhận thức được hàng hóa trí tuệ nếu chúng được kết hợp với những thứ vật chất, những ý tưởng phi vật chất không thể được bảo vệ. Do đó, các phong cách thời trang như chân váy ngắn hay quần jean nói chung cũng giống như các quy trình sản xuất, chẳng hạn như kỹ thuật cải tiến để cắt, may hoặc in quần áo, sẽ cho phép sản xuất một loạt các sản phẩm vật chất khác nhau, không thể được bảo vệ theo luật kiểu dáng. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể được hình thành khi ý tưởng được hiện thực hóa trong một hình hài cơ học cụ thể.
Từ đặc quyền của hoàng gia đến quy định về kiểu dáng cộng đồng
Sự thay đổi của Luật Kiểu dáng công nghiệp của Châu Âu luôn song hành với lịch sử của ngành dệt may. Vào thế kỷ 15, vị vua của nước Pháp đã cấp quyền độc quyền, hoặc đặc quyền, cho ngành sản xuất dệt may. Lần đầu tiên vào năm 1711 tại Lyon một sắc lệnh của chính phủ đã xử phạt sản phẩm giả mạo họa tiết dệt . Ở Anh và Scotland, đạo luật đầu tiên về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được các nhà sản xuất dệt may khởi xướng vào năm 1787. Năm 1876, Đức đã ban hành Luật bản quyền về hoa văn và mẫu mã, chủ yếu theo đề xuất của ngành dệt may. Gần đây, nỗ lực hài hòa hóa luật kiểu dáng của Châu Âu đã cho ra đời Quy định chung của Châu Âu về kiểu dáng cộng đồng, có hiệu lực vào năm 20025.
Quy định chung của Châu Âu về kiểu dáng cộng đồng chỉ bảo vệ các kiểu dáng mới và có đặc điểm riêng. Mức độ khác biệt về cảm quan so với kiểu dáng đã được bảo hộ, xuất phát từ việc đối chứng một-một và được thẩm định từ góc độ của người dùng có hiểu biết, là tiêu chí duy nhất quyết định khả năng bảo hộ của kiểu dáng đó. Sự khác biệt giữa hai kiểu dáng thường không quá quan trọng đối với người quan sát thông thường, chẳng hạn như cách sắp xếp các nút bấm, hình dạng của cổ áo hoặc chiều dài của chân váy, có thể tạo ra một ấn tượng tổng thể khác biệt dưới con mắt của các tín đồ thời trang có hiểu biết6.
Đăng ký hay không đăng ký
Không nhiều thiết kế mới trên thị trường có kiểu dáng thực sự đặc biệt . Không giống như chiếc váy dạ hội vô cùng đặc biệt này của Pierre Cardin, 1988.
Các nhà thiết kế thời trang thực sự khá hạn chế trong phạm vi sáng tạo của họ: trang phục phải vừa vặn với cơ thể; và nhu cầu chung của xã hội về việc tuân thủ các quy tắc trang phục phù hợp có xu hướng dẫn đến tính ổn định. Do đó, rất ít thiết kế mới trên thị trường có kiểu dáng thực sự đặc biệt. Nhưng do sự khác biệt được đánh giá dựa trên đối chứng một-một nên chỉ cần một đặc điểm phân biệt duy nhất - chẳng hạn như túi quần jean được thêu, khóa kéo cỡ lớn hoặc in nổi - đã đủ để tạo ấn tượng tổng thể độc đáo và đủ minh chứng cho việc cần phải có biện pháp bảo hộ một đặc điểm đặc biệt của sản phẩm hoặc toàn bộ sản phẩm.
Năm 2007, WIPO chỉ được bảo hộ 29 kiểu dáng công nghiệp quốc tế (2,5% tổng số văn bằng bảo hộ) theo nhóm 2 của Bảng phân loại Locarno (cho trang phục và đồ may mặc) thông qua Hệ thống La-hay, trong khi Văn phòng Liên minh Châu Âu về Hài hòa hóa thị trường nội khối (OHIM) bảo hộ 7.421 kiểu dáng công nghiệp (9% trong tổng số văn bằng bảo hộ). Tuy nhiên, hầu hết kiểu dáng được bảo hộ của các hãng thời trang lại không dành cho sản phẩm quần áo, mà là phụ kiện - đồng hồ, túi xách, kính râm, v.v., thuộc nhiều nhóm phân loại Locarno khác nhau - nguồn doanh thu quan trọng cho các nhãn hàng thời trang. Phần lớn các nhà thiết kế thời trang cho rằng, các xu hướng thời trang chỉ kéo dài vài tháng, trong khi thời gian bảo hộ tối thiểu là 5 năm theo các hệ thống đăng ký này, là thực sự chưa phù hợp đối với những thiết kế thời trang thời vụ. Do đó, thời gian và tiền bạc tốt nhất nên dành để tạo ra những kiểu dáng mới hơn là đầu tư đăng ký bảo hộ.
Các nhà thiết kế Châu Âu có một giải pháp hiệu quả đối với những kiểu dáng cộng đồng không đăng ký bảo hộ. Với giải pháp này, các kiểu dáng cộng đồng không cần làm bất kỳ thủ tục nào, chỉ đơn giản bằng cách tạo ra các kiểu dáng sẵn sàng cho công chúng và duy trì chúng trong ba năm. Vì hầu hết các nhà thiết kế chỉ quan tâm đến việc bảo hộ kiểu dáng sau khi trở thành nạn nhân của hàng giả. Kiểu dáng Cộng đồng không đăng ký bảo hộ đã tạo ra một phương án thay thế được hoan nghênh.
Bảo hộ kiểu dáng và bảo hộ nhãn hiệu
Tóm lại, đăng ký bảo hộ kiểu dáng là lựa chọn phù hợp hàng đầu để bảo vệ những thiết kế hoặc đặc điểm tạo dáng đặc biệt, hoặc những thứ được dự báo sẽ trở thành biểu tượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu một kiểu dáng bị giả mạo sẽ dẫn tới có vô số kiểu dáng trên thị trường làm cho việc xâm phạm quyền càng khó bị phát hiện. Thay vì bảo vệ kiểu dáng công nghiệp, hầu hết các nhà thiết kế thời trang lại đặt niềm tin nhiều vào nhãn hiệu thời trang của mình, được gắn trực tiếp lên sản phẩm và thường được bảo vệ theo luật nhãn hiệu. Nhãn hiệu thời trang giúp các nhà thiết kế dễ dàng phát hiện hàng nhái hơn và giúp các tín đồ thời trang nhận biết được những sản phẩm họ ưa thích. Các hãng thời trang thường đầu tư số tiền lớn vào quảng cáo để quảng bá những ưu điểm sản phẩm mang nhãn hiệu của mình nhằm thu hút người tiêu dùng thời trang. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi những đối tượng sản xuất hàng giả mạo cũng cố gắng thực hiện các hiệu ứng khuyến mại giảm giá bằng cách sao chép kiểu dáng và cả nhãn hiệu tương ứng. Vì lý do này, các hãng thiết kế thời trang lớn thường kết hợp các loại sợi được xử lý đặc biệt hoặc nguyên liệu đảm bảo khác vào nhãn mác của họ, nhằm tạo ra tính phân biệt giữa hàng thật và hàng nhái.
Tiến sĩ Fridolin Fischer
_____________________________
1. Văn phòng Xuất bản chính thức của Cộng đồng châu Âu, Doanh nghiệp Châu Âu. Sự kiện và số liệu, Luxembourg, 2007.
2. Xem ví dụ Euratex (Tổ chức Dệt may và Trang phục Châu Âu), Báo cáo thường niên năm 2006: “Let us not forget, counterfeiting is nothing less than theft, and this cannot go unpunished.”
3. Paul Morand, L’allure de Chanel, Paris 1996.
4. Landes, William M. / Posner, Richard A., The Economic Structure of Intellectual Property Law, Cambridge (Massachusetts) 2003, trang 13.
5. Song song với Quy định chung của Châu Âu về kiểu dáng Cộng đồng, Luật quốc gia của các thành viên Liên minh Châu Âu về kiểu dáng công nghiệp vẫn còn hiệu lực nhưng đã được hài hòa bởi Chỉ thị 98/71/EC ngày 13/10/1998 về bảo vệ pháp lý của kiểu dáng.
6. Xem bản đề xuất sửa đổi Quy chế của Hội đồng (EC) về Kiểu dáng cộng đồng, COM (1993) 342, trang 14.
Tin mới nhất
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Thông báo tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
Các tin khác
- Một số tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo tới hệ thống bảo hộ sáng chế
- Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 2020: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh
- Tài sản trí tuệ: Nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững
- Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng thay thế
- Chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu